Cẩm nang leo núi Tà Chì Nhù mới nhất cho người mới đi lần đầu

avatar
Dương Thảo

An editor at Stour


  • 2022 September 17
  • 5 min read
  • 266
  • 2075 Views

Tà Chì Nhù được mệnh danh là nóc nhà của tỉnh Yên Bái, được đánh giá là đỉnh núi có cảnh quan và thảm thực vật cực kỳ đẹp là điểm khám phá rất được dân leo núi ưa thích…

Đôi nét về ngọn núi Tà Chì Nhù 

Tà Chì Nhù nằm trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, là một phần của khối núi Pú Luông, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Tà Chì Nhù đạt độ cao chính xác là 2.979m so với mực nước biển, đứng thứ bảy trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. 

Mặc dù độ cao của ngọn núi này chỉ nằm ở vị trí thứ 7 thế nhưng con đường chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù lại vô cùng hiểm trở và luôn thuộc dạng top những địa điểm trekking khó nhất Việt Nam. Địa hình ở Tà Chì Nhù chủ yếu là đồi dốc cao, đường đi khúc khuỷu, thậm chí có những đoạn là đồi dựng đứng. Khí hậu rất lạnh và có gió giật mạnh nên hành trình lên tới đỉnh càng thêm phần khó khăn và nguy hiểm.

Cung đường leo Tà Chì Nhù (Ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái) Cung đường leo Tà Chì Nhù (Ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái)

Tuy nhiên bù lại những khó khăn thử thức để chinh phục đỉnh núi này bạn sẽ được hòa mình vào thiên nhiên đất trời nơi đây ngập tràn trong hương sắc tím của loài hoa rừng dại có tên Chi Pâu, ngắm nhìn những biển mây bồng bềnh trôi như một khung cảnh chốn bồng lai khó cưỡng.

Hoa Chi Pâu (Ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái) Hoa Chi Pâu (Ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái)
Biển mây tại Tà Chì Nhù (Ảnh: fb. Chiêu Lê) Biển mây tại Tà Chì Nhù (Ảnh: fb. Chiêu Lê)

Thời gian trekking núi Tà Chì Nhù lý tưởng nhất

Thời điểm lý tưởng nhất để đi Tà Chì Nhù chính là từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Bởi khí hậu lúc này khô ráo, ít mưa, tuy nhiên do địa hình núi cao nên cũng sẽ khá buốt. Nhiệt độ lạnh và có thể đi săn mây vô cùng đẹp. Đặc biệt, khoảng từ đầu tháng 11 là thời điểm nở rộ của những bông hoa tím dại vô cùng đẹp. Ngoài ra, vào tháng 2 sẽ là khoảng thời gian đẹp để bạn leo khi mùa hoa đỗ quyên nở.

Săn mây tại Tà Chì Nhù (ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái) Săn mây tại Tà Chì Nhù (ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái)

Độ khó của núi Tà Chì Nhù

Tà Chì Nhù có độ khó thuộc top 4 ngọn núi khó leo nhất Việt Nam theo sự đánh giá của nhiều trekker chuyên nghiệp. Bởi lẽ địa hình của ngọn núi này không quá hiểm trở, không có nhiều đường tắt, rậm rạp hay lối rẽ ngang, không có nhiều hẻm vực, vách núi cheo leo, khá an toàn cho mọi người vì chủ yếu là đường mòn. Nhưng con đường mòn này khá dốc và liên tục. Bên cạnh đó bạn còn phải vượt qua những con suối trơn trượt và địa hình nhiều núi đá nên sẽ khó khăn hơn một chút cho các trekker.

Cảnh Tà Chì Nhù (Ảnh: fb Phạm Thu Hương) Cảnh Tà Chì Nhù (Ảnh: fb Phạm Thu Hương)

Hướng dẫn di chuyển từ Hà Nội đến điểm trekking Tà Chì Nhù

Từ Hà Nội bạn cần phải di chuyển đến Trạm Tấu trước. Bạn có thể đi xe máy hoặc xe khách tại bến xe Mỹ Đình nhé. Nếu đi xe máy bạn có thể đi theo lộ trình như sau: xuất phát theo hướng đại lộ Thăng Long hoặc tuyến đường 32 (Nhổn) đều được, lên tới khu vực Sơn Tây các bạn rẽ theo hướng đi cầu Trung Hà và thẳng tiến lên Nghĩa Lộ, và tiếp tục di chuyển đến Trạm Tấu. Từ cây cầu đầu tiên của thị trấn Trạm Tấu, rẽ phải theo biển sẽ tới được khu Mỏ Chỉ. Đây được coi là điểm để các bạn bắt đầu hành trình chinh phục Tà Chì Nhù.

https://goo.gl/maps/i3xiySZ9pKjzX8b36

Cung đường trekking

Cung trekking: Mỏ Chì - lán nghỉ 2400m - đỉnh Tà Chì Nhù - lán nghỉ 2400m - Mỏ Chì - Trạm Tấu. 

⇒ Cung trekking ngắn, chỉ mất khoảng 2 ngày 1 đêm cả leo lên và leo xuống, tuy nhiên do địa hình khó di chuyển, có khá nhiều các con dốc dựng đứng và liên tục nên tốn nhiều thời gian. 

Lịch trình trekking Tà Chì Nhù tham khảo

Ngày 1: Hà Nội - Trạm Tấu - Mỏ Chì - Lán nghỉ 2400m

  • 4h - 9h: Di chuyển từ Hà Nội đến Trạm Tấu chặng đường hơn 200km.

  • 9h - 10h: Nghỉ ngơi chuẩn bị di chuyển đến Mỏ Chì

  • 10h: Bắt đầu xuất phát đi Mỏ Chì, bạn có thể di chuyển bằng xe ô tô hoặc xe máy đều được nhé. Hãy nhớ liên hệ trước cho Porter để họ chuẩn bị xe đón đoàn nhé. Đoạn đường từ Trạm Tấu đến Mỏ Chì khá xấu vì vậy bạn sẽ cần thuê xe ô tô có gầm cao hoặc nếu di chuyển bằng xe máy bạn sẽ được trải nghiệm tay lái lụa của các Porter tại nơi đây nhé. Chắc chắn sẽ là một kỉ niệm đáng nhớ đó.

  • 12h30: Bắt đầu xuất phát leo từ Mỏ Chì lên lán nghỉ để kịp trời tối. Với tốc độ leo trung bình bạn sẽ mất khoảng 5 - 7h tùy tốc độ từng đoàn để lên đến lán nhé. 

Có 2 cung đường để bạn xuất phát từ Mỏ Chì:

  • Đường đi qua Mỏ Chì: Nếu đi qua đường này, quãng đường di chuyển sẽ được rút ngắn hơn khoảng 2km. Tuy nhiên, do quy định của Mỏ, hiện nay các đoàn không còn được đi vào trong khu vực này. ⇒ Bắt buộc phải đi cung đường còn lại.

  • Đường men theo suối: Bạn sẽ bắt đầu hành trình bằng con đường men theo con suối. Tại đây, các bạn có thể tranh thủ thời gian để chụp ảnh cùng với những đàn dê núi trên đoạn đường leo.

(Ảnh: fb. Phạm Thu Hương) (Ảnh: fb. Phạm Thu Hương)

Quãng đường tiếp theo sau khi vượt qua con suối liên tục là những con dốc chỉ có lên mà không xuống, những con dốc đất này nếu gặp trời mưa sẽ cực kỳ trơn trượt. Đường leo là đường mòn nhỏ và rất dốc, sống núi nguy hiểm và không có điểm bám, nhiều đoạn phải bò để leo lên được. Nhiều đoạn núi trọc bạn sẽ cảm nhận rất rõ những cơn gió giật rất mạnh.

Nhưng bù lại bạn sẽ được chiêm ngưỡng thiên nhiên kỳ vĩ hai bên đường với những cánh rừng nguyên sinh xanh ngát rậm rạp. Rừng cũng thay đổi theo độ cao từ rừng rậm nguyên sinh sang kiểu rừng lùn tán thấp. Những cánh rừng trúc dày đặc đan xen nhau, lúc ẩn lúc hiện trong màn mây trắng mờ ảo.

(Ảnh: fb. Nguyễn Trọng Cung) (Ảnh: fb. Nguyễn Trọng Cung)
  • Khoảng 18h - 19h: Bạn sẽ đặt chân đến lán nghỉ cao 2400m. Tại đây bạn sẽ ăn tối và nghỉ ngơi chuẩn bị cho ngày hôm sau đặt chân lên đỉnh nhé.

Ngày 2: Lán nghỉ - đỉnh Tà Chì Nhù - Mỏ Chì - Trạm Tấu

  • Sáng 5h00 mọi người gọi nhau dậy ăn sáng.

  • 6h00: Bắt đầu xuất phát để leo lên đỉnh. Quãng đường từ lán lên đỉnh dài khoảng 2,5km nữa.Quãng đường này bạn sẽ không cần phải leo trèo quá nhiều. Địa hình cũng không có những đoạn dốc thẳng đứng nữa. Đây cũng là quãng đường đẹp nhất trong suốt chặng đường đi với những sống lưng "khủng long" và  thung lũng hùng vĩ của khối núi Pú Luông, cũng là không gian thoáng đãng để ngắm bình minh lên tuyệt đẹp nhé. Dọc các sườn núi phủ đầy sắc tím của loài hoa dại mang tên Chi Pâu vô cùng thơ mộng. 

Những sống lưng khủng long (Ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái) Những sống lưng khủng long (Ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái)
Địa hình bằng phẳng hơn (Ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái) Địa hình bằng phẳng hơn (Ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái)
Hoa Chi Pâu (ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái) Hoa Chi Pâu (ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái)
Biển mây trên núi Tà Chì Nhù (Ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái) Biển mây trên núi Tà Chì Nhù (Ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái)
Đón bình minh trên núi (Ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái) Đón bình minh trên núi (Ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái)
  • Khoảng 9h: Bạn sẽ đặt chân lên đến đỉnh núi. Tận hưởng bầu không khí mát mẻ của núi rừng trên ngọn núi được coi là nóc nhà của Yên Bái và ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh đất trời thu vào trong tầm mắt. 

(Ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái) (Ảnh: fb. Tà Chì Nhù - Yên Bái)

Checkin và tận hưởng cảm giác chiến thắng khoảng 30 phút thì bắt đầu di chuyển xuống lán nghỉ để kịp ăn trưa. Sau khi ăn trưa nghỉ ngơi thì bạn tiếp tục di chuyển xuống Mỏ Chì trở về Trạm Tấu để tiếp tục tham quan các địa điểm khác tại Yên Bái nhé.

Trên đây là toàn bộ những thông tin về chuyến leo núi Tà Chì Nhù mà bạn có thể tham khảo. Hi vọng chuyến đi sắp tới của bạn sẽ thật vui vẻ và an toàn nhé!


avatar

Dương Thảo

An editor at Stour

Something


Comments